• Hầu hết ung thư vùng đầu – cổ đều bắt nguồn từ lớp tế bào gai nằm lót trong những bề mặt ẩm ướt của đầu – cổ.
  • Sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn, nhiễm vi rút gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus chữ viết tắt là HPV) là những yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vùng đầu – cổ.
  • Những triệu chứng đặc trưng của ung thư vùng đầu – cổ bao gồm khối u hay tổn thương dạng loét (chẳng hạn như trong miệng) không lành, đau họng không khỏi, khó nuốt, và thay đổi giọng nói hay khàn tiếng. ​ Ung thư vùng đầu – cổ là gì?

Ung thư vùng đầu – cổ thường bắt nguồn từ lớp tế bào gai nằm lót trong bề mặt ẩm ướt ở vùng đầu cổ (ví dụ như trong miệng, mũi, họng), và thường phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gai. Ung thư vùng đầu – cổ cũng có thể bắt nguồn từ các tuyến nước bọt, nhưng tương đối ít gặp. Các tuyến nước bọt chứa nhiều loại tế bào có thể ung thư hóa, vì vậy có nhiều dạng ung thư tuyến nước bọt khác nhau.

Hình 1.Các lớp tế bào của niêm mạc miệng: 1. Lớp đáy, 2. Lớp gai, 3. Lớp hạt, 4. Lớp sừng (có thể có hoặc không, tùy vị trí).

Ung thư vùng đầu cổ còn được phân loại theo vùng khởi nguồn của khối u (Hình 2) như sau:

  • Khoang miệng: bao gồm môi, 2/3 trước của lưỡi, nướu răng, niêm mạc môi – má, sàn miệng, khẩu cái cứng, và vùng nướu phía sau răng khôn.
  • Hầu họng: họng là một ống rỗng dài khoảng 12,7 cm bắt đầu từ sau mũi tới thực quản, bao gồm 3 phần: họng mũi (phần trên của họng, phía sau mũi), họng miệng (phần giữa của họng, bao gồm khẩu cái mềm, đáy lưỡi, và các trụ amidan) và hạ họng (phần dưới của họng).
  • Thanh quản: thanh quản hay hộp thanh âm, là một hành lang ngắn cấu tạo bởi sụn, nằm ngay dưới họng ở vùng cổ. Thanh quản chứa các dây thanh âm và một nắp thanh quản che đậy thanh quản để tránh thức ăn lọt vào đường thở.
  • Hốc mũi và các xoang cạnh mũi: hốc mũi là khoảng trống bên trong mũi. Các xoang cạnh mũi là những hốc rỗng nhỏ trong xương vùng đầu xung quanh mũi.
  • Các tuyến nước bọt: các tuyến nước bọt chính nằm ở sàn miệng và gần xương hàm dưới có chức năng tiết ra nước bọt.

Hình 2.Phân loại ung thư vùng đầu – cổ theo vị trí.

Các dạng ung thư não, mắt, thực quản, và tuyến giáp, cũng như ung thư da, cơ, xương vùng đầu cổ thường không được xếp loại trong ung thư vùng đầu – cổ.

Trong trường hợp phát hiện các tế bào gai ung thư hóa ở hạch lympho vùng cổ trên nhưng không tìm thấy ung thư ở các vùng khác, chúng ta gọi làung thư tế bào gai vùng cổ di căn không rõ khối u nguyên phát. Yếu tố nguy cơ của ung thư vùng đầu – cổ?

  • Sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc, nhai thuốc và hít trực tiếp) và uống nhiều rượu là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư vùng đầu – cổ, đặc biệt ung thư khoang miệng, họng miệng, hạ họng và thanh quản. Ít nhất 75% ung thư vùng đầu cổ gây ra bởi sử dụng thuốc lá và rượu. Tuy nhiên, thuốc lá và rượu không phải là yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến nước bọt.
  • Nhiễm HPV (Human Papilloma Virus), đặc biệt HPV-16, là một yếu tố nguy cơ của ung thư vùng đầu – cổ, đặc biệt ung thư họng miệng bao gồm cả amidan và đáy lưỡi.
  • Nhai trầu: người dân ở vùng Đông Nam Á có thói quen nhai trầu nên biết rằng đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng.
  • Ma-té: việc sử dụng Ma-té, một đồ uống giống trà của người Nam Mỹ, liên quan tới nguy cơ ung thư khoang miệng, họng, thực quản và thanh quản.

Hình 3. Ma-té

  • Thức ăn được bảo quản (đồ hộp) hay ướp muối**: sử dụng những loại thức ăn này từ nhỏ là một yếu tố nguy cơ ung thư mũi họng.
  • Chăm sóc răng miệng: vệ sinh răng miệng kém có thể chỉ là yếu tố nguy cơ thấp với ung thư khoang miệng. Sử dụng nước súc miệng có nồng độ cồn cao có thể là yếu tố nguy cơ ung thư khoang miệng, tuy nhiên chưa có bằng chứng rõ ràng.
  • Phơi nhiễm nghề nghiệp: Những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng, luyện kim, dệt may, gốm sứ, khai thác gỗ và công nghiệp thực phẩm có thể tăng nguy cơ ung thư thanh quản, hốc mũi, xoang cạnh mũi do hít phải khói bụi, bụi gỗ, bụi ni-ken, amiăng (một loại khoáng vật dùng trong công nghiệp), sợi tổng hợp hoặc các hóa chất công nghiệp. Với những người làm việc ngoài trời thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng cũng có nguy cơ cao đối với ung thư môi nếu không trang bị các phương tiện bảo hộ lao động.
  • Phơi nhiễm với tia xạ: tiếp xúc thường xuyên với tia xạ ở vùng đầu cổ (không phải trong điều trị ung thư) là một yếu tố nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
  • Nhiễm EBV (Epstein-Barr Virus): nhiễm EBV là một yếu tố nguy cơ của ung thư mũi họng và ung thư tuyến nước bọt.
  • Chủng tộc: chủng tộc châu Á, đặc biệt người Trung Quốc, có nguy cơ ung thư mũi họng cao hơn. Những triệu chứng của ung thư vùng đầu – cổ là gì?

Những triệu chứng của ung thư vùng đầu – cổ có thể bao gồm

  • khối gồ hoặc tổn thương dạng loét không lành;
  • đau họng không khỏi;
  • khó nuốt và thay đổi giọng nói hay khàn giọng.

Những triệu chứng này cũng có thể gây ra bởi những bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng có thể tác động tới những vùng đặc biệt ở đầu – cổ, xin tham khảo các bài liên quan trên trang web này. Ung thư vùng đầu – cổ có thường gặp không?

Tại Việt Nam, độ tuổi mắc ung thư vùng đầu – cổ khoảng 30-40 tuổi, trẻ hơn so với các nước phương tây, do thói quen sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn trầu. Trong đó, ung thư vòm họng là bệnh đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ.

Theo ghi nhận ung thư tại Hà Nội, năm 1998, tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới là 9,2/100.000 dân và nữ giới là 4,8/100.000 dân. Hàng năm, khoa xạ trị bệnh viện K tiếp nhận thêm 250-300 trường hợp mắc mới ung thư vòm họng. Tại Tp.HCM, giai đoạn 2007-2011, ghi nhận ung thư vòm hầu đứng hàng thứ 5 trong các loại ung thư thường gặp ở nam giới. Tại Trung tâm Ung bướu (1990 – 1994), ung thư xoang miệng chiếm 6,07% ung thư các loại, xuất độ chuẩn theo giới là 5/100.000 người dân ở phái nam và 3,8/100.000 người dân ở phái nữ.

Xin mời tham khảo các bài viết khác để có thêm thông tin về ung thư vùng đầu cổ:

  • Làm cách nào để giảm nguy cơ phát triển ung thư vùng đầu – cổ?

    • Ung thư xoang miệng – cách để bảo vệ chính bạn
    • Từ bỏ thói quen hút thuốc
    • Thức uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, thanh quản và hầu họng
    • Vai trò của HPV trong ung thư đầu – cổ và vac-xin phòng ngừa
  • Những tổn thương tiền ung thư ở vùng đầu – cổ là gì?
  • Chẩn đoán ung thư vùng đầu – cổ như thế nào?
  • Những phương pháp điều trị ung thư vùng đầu – cổ hiện nay là gì?
  • Ý nghĩa của việc tham gia các thử nghiệm lâm sàng về ung thư vùng đầu – cổ?
  • Tác dụng phụ của điều trị ung thư đầu – cổ và cách khắc phục?

    • Khô miệng
    • Khô miệng ở bệnh nhân ung thư
  • Những hỗ trợ hay phục hồi chức năng nào dành cho người bệnh ung thư vùng đầu cổ sau điều trị?

    • Chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư
  • Theo dõi sau điều trị ung thư vùng đầu – cổ có cần thiết không?
  • Cần lưu ý gì khi bạn có người thân mắc ung thư đầu – cổ?

Cùng hiệu đính: BS. Lâm Đại Phong ​Tài liệu tham khảo ​

  1. http://www.cancer.gov/cancertopics/factsheet/Sites-Types/head-and-neck