Các bác sĩ có thể cần phải thực hiện một loạt các xét nghiệm và thủ thuật y khoa để tìm hiểu thêm về bệnh ung thư của con bạn và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Việc nghĩ đến và tiến hành các thủ thuật này có thể là nguyên nhân chính gây nên sự lo lắng và căng thẳng cho cả phụ huynh và trẻ em. Rất may là với việc chuẩn bị cẩn thận, bạn và con bạn có thể giảm thiểu cảm giác lo lắng về các thủ thuật này. Những sợ hãi thường gặp

Nỗi sợ hãi của trẻ em phụ thuộc vào tuổi tác, tính cách và đặc tính của các thủ thuật:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:Trẻ sợ nhất là bị tách ra khỏi cha mẹ.
  • Trẻ lớn hơn:Trẻ sợ nhất là đau.
  • Thanh thiếu niên:Chúng sợ đau nhưng xấu hổ khi thừa nhận nỗi sợ hãi này. Chúng cũng có thể xấu hổ về cơ thể của mình và lo lắng về sự riêng tư trong suốt quá trình thủ thuật.
  • Thủ thuật liên quan đến kim tiêm:Thường nỗi sợ lớn nhất là đau.
  • Phẫu thuật:Trẻ có thể sợ cảm giác đau đớn trong chính quá trình phẫu thuật. Chúng có thể không hiểu được “giấc ngủ đặc biệt” gây ra do gây mê toàn thân. Trẻ cần phải được biết chắc rằng bạn sẽ ở đó sau phẫu thuật. Những trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên cũng có thể lo lắng về cơ thể của chúng sau phẫu thuật.

Việc trao đổi và nhận ra nỗi sợ hãi và cảm xúc của con rất quan trọng. Hãy để con biết rằng nỗi sợ hãi của mình là bình thường và những đứa trẻ khác cũng cảm thấy như vậy.

Tuy hầu hết trẻ học được cách đối phó với các thủ thuật, không phải tất cả trẻ làm được điều này. Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ có một nỗi sợ hãi tồn tại trước đó, chẳng hạn như sợ kim tiêm, hoặc đã có một trải nghiệm xấu với một thủ thuật không suôn sẻ trước đó. Nếu con bạn sợ một thủ thuật nhất định,chuyên gia đời sống trẻ em (child life specialist), nhà tâm lý học, hoặc bác sĩ tâm thần có thể giúp ích. Tại sao việc chuẩn bị lại có ích?

Một số cha mẹ nghĩ rằng họ không nên nói trước với trẻ về thủ thuật sắp xảy ra, đặc biệt nếu họ nghĩ rằng nó sẽ gây đau. Tuy nhiên, trẻ cần thông tin rõ ràng và trung thực. Nếu bạn nói với con bạn rằng thủ thuật sẽ không đau, trẻ có thể ngạc nhiên và bối rối khi thực tế nó lại làm trẻ đau. Từ đó con bạn có thể nghĩ rằng tất cả các thủ thuật đều đau và sẽ không tin bạn nếu bạn nói ngược lại.

Nhiều trẻ có thể chịu được cơn đau, các máy gây ồn, hoặc ở những tư thế không thoải mái nếu chúng biết khi nào sẽ xảy ra và sẽ kéo dài bao lâu. Bằng việc biết trước điều này, con bạn có thể nói rõ những gì chúng cần để giữ bình tĩnh và chịu được những trải nghiệm khó chịu. Bạn có thể sẽ muốn giải thích cho con bạn rằng những điều khó chịu này phải được thực hiện để giúp chúng lành bệnh. Nhưng nên nhắc con bạn rằng thủ thuật này diễn ra không phải vì chúng đã làm điều gì sai. Một nhân viên xã hội, y tá/điều dưỡng, chuyên gia đời sống trẻ em, hoặc một thành viên của nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn tìm được từ thích hợp để giải thích các thủ thuật y khoa cho con bạn. Chuẩn bị cho chính bạn

Cha mẹ buồn khi con cái bị đau hay sợ hãi là một điều tự nhiên. Bạn nên tìm hiểu về các thủ thuật và chuẩn bị cho mình về mặt cảm xúc. Việc biết những gì có thể xảy ra sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh và giúp bạn an ủi, hỗ trợ con tốt hơn.

Tìm hiểu chi tiết các thủ thuật bằng các câu hỏi:

  • Ai sẽ thực hiện nó?
  • Thủ thuật sẽ kéo dài bao lâu?
  • Những loại thuốc giảm đau hoặc gây mê sẽ được sử dụng?
  • Phần nào của các thủ thuật có thể gây đau đớn hay sợ hãi cho con?
  • Những phương pháp nào sẽ được sử dụng để giúp con dễ chịu hơn?
  • Chuẩn bị thế nào là tốt nhất để con được thoải mái?
  • Bạn sẽ có thể được ở lại với con bạn?Chuẩn bị cho con bạn

Trẻ trên 2 tuổi nên được biết đầy đủ thông tin về các thủ thuật khi chúng hỏi. Tuy nhiên, bạn nên điều chỉnh cách giải thích nội dung phù hợp với độ tuổi và mức hiểu biết của con.

Dưới đây là những gợi ý để đảm bảo con bạn biết những gì sẽ xảy ra:

  • Hãy trung thực và cởi mở.Nhưng nên tránh các hình hoặc mô tả quá lên về nỗi sợ.
  • Chuẩn bị các giác quan.Chỉ ra những gì con sẽ thấy, ngửi, nghe, nếm, hoặc sờ được trong suốt thủ thuật.
  • Khuyến khích các câu hỏi.Nhưng nên xem chừng các dấu hiệu chứng tỏ con bạn đã nhận được đầy đủ thông tin, chẳng hạn như khi chúng thay đổi chủ đề hoặc thể hiện sự thiếu quan tâm khi nói chuyện.
  • Hỏi về chương trình trước khi nhập viện.Một số bệnh viện có chuẩn bị các chương trình giúp trẻ và gia đình tìm hiểu về các thủ thuật và các thiết bị sẽ được sử dụng. Bạn cũng có thể nhờ y tá/điều dưỡng hoặc nhân viên xã hội giải thích về các thủ thuật cho con.
  • Tìm tài liệu giáo dục.Nhiều bệnh viện cung cấp truyện hay sách màu, video, hoặc tờ rơi được thiết kế cho trẻ em.
  • “Chơi trò chơi đóng giả” thủ thuật với con.Nhiều trẻ nhỏ có thể muốn xem các thủ thuật được thực hiện trên một con gấu bông hoặc búp bê trước. Chuyên gia đời sống trẻ em hoặc nhân viên xã hội có thể hướng dẫn con cách chơi. Ở nhà, bạn có thể tập thủ thuật này với con bạn. Ví dụ, với xạ trị hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), bạn có thể tập với con bằng cách giữ yên bằng thời gian mà điều trị hay thủ thuật y khoa sẽ diễn ra.
  • Đảm bảo rằng giường ngủ của trẻ luôn là nơi an toàn và dễ chịu.Nếu con bạn phải ở qua đêm trong bệnh viện, trao đổi với các y tá/điều dưỡng hay chuyên gia đời sống trẻ em về việc sử dụng giường trong phòng điều trị/thủ thuật thay vì giường dành cho trẻ trong bất kỳ thủ thuật nào. Điều này giúp bạn đảm bảo rằng giường ngủ của trẻ luôn là nơi dễ chịu với chúng.
  • Chuẩn bị cho sự chia cắt.Hầu hết trẻ cần sự hỗ trợ của cha mẹ trong quá trình trị liệu và muốn có bố hoặc mẹ bên cạnh chúng. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh điều này là không thể. Vì vậy, hãy hỏi bác sĩ ai sẽ có mặt ở đó để nhờ họ an ủi và hỗ trợ con bạn.

Thời điểm để nói với con về một thủ thuật sắp xảy ra phụ thuộc vào cả độ tuổi và tính cách của con. Nhìn chung, trẻ ở độ tuổi mầm non chỉ cần được cho biết trước khoảng một ngày. Trẻ ở độ tuổi đi học và thanh thiếu niên có thể muốn biết trước sớm hơn một chút. Nhưng một số trẻ có thể lo lắng dài ngày nếu chúng được cho biết về thủ thuật quá sớm. Ngược lại, việc ghi cuộc hẹn làm thủ thuật trên lịch lại có ích cho một số trẻ ở độ tuổi đi học và thanh thiếu niên. Hãy làm một số thử nghiệm để tìm ra biện pháp tốt nhất cho con mình.

Bạn và con bạn có thể muốn lên một kế hoạch đặc biệt cho ngày phẫu thuật. Ví dụ, quyết định xem ai sẽ đi đến bệnh viện, sẽ mang theo những gì, và bạn sẽ đãi con cái gì sau thủ thuật. Những trẻ lớn có thể muốn lên kế hoạch vì nó giúp chúng cảm thấy kiểm soát được tình hình. Đừng quên thảo luận với một thành viên của nhóm chăm sóc về kế hoạch của bạn để chắc chắn rằng nó không ảnh hưởng tới thủ thuật.

Việc sắp xếp cho những đứa con khác của bạn vào ngày diễn ra thủ thuật cũng rất quan trọng. Bạn cũng nên thông báo với chúng về những gì sẽ xảy ra với anh chị em của chúng theo cách phù hợp với lứa tuổi. Cố gắng giữ nề nếp sinh hoạt của chúng như bình thường, và chắc rằng chúng biết làm thế nào để liên lạc với bạn vào ngày hôm đó. Trong quá trình diễn ra thủ thuật

Hãy xem xét những lời khuyên dưới đây để giúp con bạn giữ bình tĩnh trong quá trình làm thủ thuật:

  • An ủi.Dùng các từ êm dịu,vuốt ve nhẹ nhàng, và đề nghị được nắm tay con.
  • Làm phân tâm.Hãy thử kể một câu chuyện, hát, hoặc đọc một cuốn sách. Trẻ lớn hơn có thể muốn nghe nhạc bằng tai nghe. Một số bệnh viện có những công cụ xem phim hoặc chơi game trong phòng trị liệu. Đôi khi trẻ muốn tưởng tượng những cảnh thú vị trong quá trình làm thủ thuật, chẳng hạn như đi mua sắm, chơi ở biển, hoặc ghi bàn thắng.
  • Mang theo vật yêu thích.Điều này có thể bao gồm một con gấu bông hoặc chăn đắp. Hoặc bạn có thể đưa cho con một cái gì đó của bạn, chẳng hạn như một chiếc khăn hoặc chìa khóa. Việc có một vật yêu thích đặc biệt hữu ích cho các thủ thuật khi con phải ở một mình trong phòng. Hãy khuyến khích con mang theo nhạc con thích hoặc sách nói để nghe nếu thủ thuật diễn ra lâu.
  • Đặt cho con một mục tiêu khả thi. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu con nằm yên hoặc giữ nguyên tư thế. Hãy nói rằng con có thể khóc, nhưng con có nhiệm vụ phải nằm yên trong suốt thủ thuật.Sau thủ thuật

Bạn có thể nhận thấy con có một số thay đổi hành vi sau thủ thuật. Một số trẻ có những hành động ngây ngô hoặc “nhỏ” hơn độ tuổi. Một số lại cần bạn nhiều hơn bình thường và sẽ không dễ rời xa bạn như trước kia. Đây là những phản ứng hay gặp và thường biến mất theo thời gian. Hãy nhìn nhận sự thất vọng và cách cư xử của con bạn nhưng vẫn tiếp tục đưa ra các hoạt động phù hợp lứa tuổi và kiên định với nề nếp sinh hoạt và cư xử thường ngày của gia đình.

Việc chuẩn bị cho trẻ trước thủ thuật y khoa có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng cho cả bạn và con bạn. Bạn có thể hỗ trợ con bằng cách điều chỉnh thông tin về các thủ thuật cho phù hợp với độ tuổi và mức độ hiểu biết của con. Hãy hỏi nhóm chăm sóc nếu bạn cần thêm thông tin về các thủ thuật để chuẩn bị tốt nhất. Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/children/preparing-your-child-medical-procedures