Ung thư nguyên bào võng mạc là một bệnh ung thư của mắt xuất phát từ võng mạc, lớp tế bào cảm thụ ánh sáng nằm ở phần sau của mắt, chúng giúp chuyển những tín hiệu ánh sáng thành các xung động thần kinh. Các xung động sau đó sẽ được truyền qua dây thần kinh thị giác đến não, ở đó chúng được nhận diện dưới dạng hình ảnh.

Ung thư nguyên bào võng mạc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, thường ở trẻ em, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Nguyên nhân

Ung thư nguyên bào võng mạc xảy ra khi các tế bào thần kinh võng mạc bị đột biến gen, làm cho chúng phát triển và nhân lên không ngừng, cuối cùng hình thành khối u. Những tế bào này thường xâm lấn vào mắt và các tổ chức cạnh đó, ngoài ra chúng còn có thể xâm lấn vào các cơ quan khác trên cơ thể (gọi là di căn), như não, tủy sống.

Nguyên nhân gây ra đột biến gen dẫn tới ung thư nguyên bào võng mạc thường chưa rõ ràng, tuy nhiên, trẻ em có thể thừa hưởng đột biến gen từ bố mẹ. Những đứa trẻ mắc bệnh ung thư nguyên bào võng mạc di truyền này có xu hướng bộc lộ bệnh sớm hơn, và thường bị ở cả 2 mắt. Triệu chứng

Ung thư nguyên bào võng mạc

Ở những bệnh nhân mắc ung thư nguyên bào võng mạc, có thể quan sát thấy ánh trắng ở đồng tử khi chiếu ánh sáng vào mắt (ví dụ như đèn flash). Những triệu chứng khác có thể gặp như 2 mắt có vẻ như đang nhìn theo các hướng khác nhau, đỏ mắt hoặc sưng nề mắt.

Nếu quan sát thấy bất kì một dấu hiệu bất thường nào ở mắt của con, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Nếu gia đình đã có người bị ung thư nguyên bào võng mạc, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc khám mắt định kì để sàng lọc bệnh ung thư nguyên bào võng mạc. Chẩn đoán

Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ tiến hành khám lâm sàng toàn diện để chẩn đoán bệnh. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm mắt, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp xác định liệu ung thư nguyên bào võng mạc có đang ảnh hưởng đến vùng, cơ quan quanh mắt hay không.

Khi chẩn đoán bệnh ung thư nguyên bào võng mạc, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chuyển con bạn đến những bác sĩ chuyên khoa khác, như bác sĩ ung thư, bác sĩ ngoại khoa hoặc chuyên gia di truyền học để xác định thêm. Điều trị

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào tình trạng khối u và liệu ung thư đã xấm lấn các cơ quan khác hay chưa, và một số yếu tố khác nữa. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ cố gắng bảo vệ thị lực hết sức có thể. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa, sử dụng các loại hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách truyền vào cơ thể. Hóa trị liệu có thể giúp thu nhỏ khối u, nhờ vậy mà phương pháp điều trị khác có thể được sử dụng để lấy hết những tế bào ung thư còn lại. Hóa trị liệu cũng có thể đươc sử dụng để điều trị ung thư ở giai đoạn muộn khi mà ung thư đã xâm lấn bên ngoài nhãn cầu hoặc di căn đến cơ quan khác trong cơ thể. Xạ trị

Xạ trị là sử dụng những chùm tia năng lượng cao, như tia Xquang để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng ở bên trong, tức là một đĩa nhỏ chứa nguồn phóng xạ được khâu ở trong hoặc gần khối u và để trong một khoảng thời gian để chiếu xạ đến khối u. Đối với giai đoạn ung thư tiến triển, phương pháp xạ ngoài sẽ được áp dụng, tức là chùm tia năng lượng cao sẽ được chiếu đến khối u từ một máy xạ trị lớn ở bên ngoài cơ thể. Laser (Laser quang đông)

Tia laser được sử dụng để phá hủy các mạch máu cung cấp cho khối u, mục tiêu là tiêu diệt các tế bào ung thư. Lạnh đông (áp lạnh)

Trong phương pháp áp lạnh, một chất cực kì lạnh (ví dụ như nitơ lỏng) được sử dụng để làm đông các tế bào ung thư. Một khi tế bào bị đông lại, chất lạnh sẽ được loại bỏ và sau đó các tế bào sẽ tan đông. Quá trình đông và tan đông được lặp lại nhiều lần, kết quả là tế bào ung thư sẽ chết. Liệu pháp nhiệt.

Trong liệu pháp nhiệt, nhiệt lượng cực nóng được hướng đến tế bào ung thư bằng các dụng cụ vi sóng, laser hoặc siêu âm để tiêu diệt tế bào. Phẫu thuật

Phẫu thuật bỏ nhãn cầu có thể cần thiết để điều trị bệnh nếu khối u phát triển quá mức để áp dụng hiệu quả các phương pháp khác. Phương pháp này có thể tránh cho ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Sau khi loại bỏ nhãn cầu, phẫu thuật viên có thể đặt một mắt nhân tạo vào hốc mắt và gắn các cơ vận nhãn đến đó. Nhờ đó, các cơ vận động nhãn cầu sẽ làm di chuyển mắt được cấy như làm với mắt cũ. Tuy nhiên, mắt nhân tạo không có khả năng nhìn.

Sau phẫu thuật vài tuần, mắt nhân tạo nằm ở sau mi mắt và tách ra khỏi mô cấy. Mắt nhân tạo ở trên mô cấy và có thể được tạo ra tương xứng với mắt lành.

Việc bỏ nhãn cầu sẽ ảnh hưởng đến thị lực, mặc dù qua thời gian thì hầu hết trẻ em sẽ thích ứng với việc nhìn bằng một mắt. Tài liệu tham khảo

http://www.aao.org/eye-health/tips-prevention/what-is-retinoblastoma