Biên dịch: Nguyễn Thịnh

Hiệu đính: Ts. Hồng Nhung và BS.TS. Phạm Nguyên Quý

Biên dịch từ bài tiếng Anh của Bác sĩ Jyoti D. Patel

Giáo sư Y khoa và Trưởng khoa Ung bướu học lồng ngực,Đại học Chicago

Phó Tổng biên tập trang Cancer.net về mảng ung thư phổi

Hiện nay có rất nhiều tin tức thú vị về liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi. Trong những năm vừa qua, các loại thuốc ức chế điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor) đã trở thành một công cụ quan trọng trong điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến triển.

Vào tháng 3 năm 2015, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng nivolumab (Opdivo) trong điều trị ung thư phổi tế bào vẩy sau khi điều trị lần đầu (phác đồ 1) ngừng phát huy hiệu quả. Sau đó loại thuốc này đã được chấp thuận dùng trong điều trị tất cả các loại ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) sau khi hết đáp ứng với phác đồ đầu tiên.

Vào tháng 10 năm 2015, pembrolizumab (Keytruda) đã được cấp phép sử dụng cho những bệnh nhân có khối u biểu hiện protein PD-L1 và mới hoá trị lần đầu. Vào tháng 10 năm 2016, pembrolizumab đã được FDA chấp thuận như biện pháp điều trị đầu tiên cho một số bệnh nhân. Và cuối cùng là atezolizumab (Tecentriq) đã được chấp thuận cho tất cả các bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển sau hoá trị vào tháng 10 năm 2016.

Trong nhiều thập kỉ, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu vai trò của hệ miễn dịch trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư. Và giờ đây, sự chấp thuận của FDA đã khiến cho liệu pháp miễn dịch trở thành một chủ đề nóng. Liệu pháp miễn dịch, còn được gọi là liệu pháp sinh học, là một biện pháp điều trị ung thư nhằm thúc đẩy hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác ngoài các chất ức chế điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor) nói trên, bao gồm các vaccine ung thư, kháng thể đơn dòng, và tế bào T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR T cells).

Sự khả dụng của những loại thuốc này đã mang tới thay đổi mạnh mẽ trong các liệu pháp điều trị ung thư cho bệnh nhân. Nhưng những hứa hẹn của liệu pháp miễn dịch thật sự có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân? Làm sao chúng ta có thể quyết định lựa chọn phương pháp điều trị nào, khi nào và trong những trường hợp nào? Sau đây là danh sách 9 điều cần biết về liệu pháp miễn dịch khi bạn trao đổi với bác sĩ của bạn: Điểm kiểm soát miễn dịch là gì?

Điểm kiểm soát miễn dịch có vai trò ức chế hệ miễn dịch, nhờ đó các cơ quan khỏe mạnh của cơ thể không bị hệ miễn dịch tấn công và làm tổn thương. Các tế bào ung thư sử dụng cho chế này nên hệ miễn dịch không thể tấn công chúng, nhờ đó tế bào ung thư phát triển và tăng trưởng. PD-1 là một trong những điểm kiểm soát được tế bào ung thư sử dụng. Những thuốc ngăn chặn điểm kiểm soát PD-1 cho phép hệ miễn dịch nhận diện tế bào ung thư và tấn công khối u.

Các tế bào T của hệ miễn dịch bị tế bào ung thư “bịt mắt” nên không nhận diện và tấn công ung thư (T-cell OFF). Một số phương pháp miễn dịch giúp nhận diện ung thư như là tế bào lạ để tấn công và ức chế, loại bỏ (T-cell ON)

Hình 1. Các tế bào T của hệ miễn dịch bị tế bào ung thư “bịt mắt” nên không nhận diện và tấn công ung thư (T-cell OFF). Một số phương pháp miễn dịch giúp nhận diện ung thư như là tế bào lạ để tấn công và ức chế, loại bỏ (T-cell ON). Những phương pháp Thuốc ức chế điểm kiểm soát hoạt động như thế nào?

Nivolumab và pembrolizumab chặn điểm kiểm soát PD-1. Atezolizumab chặn PD-L1, chất tương tác với PD-1. Tất cả các loại thuốc này đều được truyền qua đường tĩnh mạch. Không phải liệu pháp miễn dịch đều hiệu quả với tất cả mọi người

Chúng ta mới chỉ bắt đầu tìm hiểu những yếu tố nào có thể giúp xác định những bệnh nhân có thể có hiệu quả điều trị tốt khi dùng liệu pháp miễn dịch. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem những yếu tố nào có thể giúp dự đoán hiệu quả điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, ví dụ như số lượng đột biến hoặc số lượng tế bào viêm trong một khối u. Ai có thể được điều trị bằng nivolumab hay atezolizumab?

Cả hai loại thuốc này đều được chấp thuận cho tất cả các bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển sau khi được hoá trị lần đầu, không phụ thuộc vào mức độ biểu hiện của PD-L1. Ai được hưởng lợi nhiều nhất từ pembrolizumab?

Bệnh nhân với mức độ biểu hiện của PD-L1 càng cao càng có nhiều cơ hội đạt hiệu quả với pembrolizumab hơn là hoá trị. Nhưng chỉ khoảng 30% số bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển có mức PD-L1 cao, đo từ mẫu sinh thiết khối u. Cần lưu ý rằng nếu kết quả sinh thiết cho thấy không có biểu hiện của PD-L1, điều đó không có nghĩa là liệu pháp miễn dịch luôn luôn không có hiệu quả. Ai có thể được điều trị bằng pembrolizumab?

Pembrolizumab đã được chấp thuận bởi FDA như một biện pháp điều trị đầu tiên cho bệnh nhân có biểu hiện DP-L1 trên 50% số tế bào. Nó cũng được chấp thuận để điều trị bệnh nhân có mức độ biểu hiện của PD-L1 trên 1% số tế bào. Liệu pháp nhắm đích thì thế nào?

Bệnh nhân có u phổi có đột biến gene EGFR hoặc ALK có thể được bắt đầu điều trị bằng liệu pháp nhắm đích hơn là bằng liệu pháp miễn dịch. Đối với những bệnh nhân này, liệu pháp đích có nhiều cơ hội làm teo nhỏ khối u hơn là liệu pháp miễn dịch. Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch là gì?

Liệu pháp miễn dịch có ít tác dụng phụ hơn là hoá trị, nhưng chúng cũng có thể nghiêm trọng. Liệu pháp miễn dịch có thể gây phản ứng da giống như phản ứng dị ứng, nhưng cũng có những tác dụng phụ khác đòi hỏi thăm khám kỹ, như viêm ruột và viêm phổi hoặc những vấn đề về nội tiết. Hướng đi tiếp theo cho liệu pháp miễn dịch là gì?

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng kết hợp những phương pháp khác nhau để tăng hiệu quả của liệu pháp miễn dịch, chẳng hạn như sử dụng kết hợp với các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch khác, hoá trị hoặc xạ trị. Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu xem liệu sử dụng liệu pháp miễn dịch kết hợp với phẫu thuật và xạ trị có thể chữa cho nhiều người hơn nữa trong giai đoạn sớm của bệnh hay không. Tài liệu tham khảo

  1. http://www.cancer.net/blog/2016-11/9-things-know-about-immunotherapy-and-lung-cancer